HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY
1. KHÁI NIỆM
Hội chứng ống cổ tay là bệnh lý của dây thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay, đây là hội chứng hay gặp nhất trong các bệnh lý chèn ép dây thần kinh ngoại vi. Ở Hoa Kỳ tỷ lệ hiện mắc hàng năm của hội chứng ống cổ tay vào khoảng 1 – 5% dân số và có xu hướng tăng dần, từ 258/100.000 người trong những năm 1981 – 1985 tăng lên tới 424/100.000 người vào những năm 2000 – 2005. Phần lớn hội chứng ống cổ tay là nguyên phát hay còn gọi là hội chứng ống cổ tay vô căn (Idiopathic Carpal Tunnel Syndrome).
Hậu quả của việc chèn ép dây thần kinh giữa là gây ra đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác vùng da bàn tay thuộc chi phối của dây thần kinh này, nặng hơn nữa có thể dẫn đến teo cơ, làm giảm chức năng vận động của bàn tay. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh có thể khỏi hoàn toàn, ngược lại nếu để muộn sẽ làm giảm khả năng phục hồi của dây thần kinh, để lại tổn thương và di chứng kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và công việc, gây thiệt hại đáng kể cho bản thân và gia đình người bệnh cũng như cho
xã hội. Cũng theo thống kê ở Hoa Kỳ năm 1998, thiệt hại về kinh tế bao gồm chi phí cho điều trị và thời gian phải nghỉ việc trung bình của mỗi bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay ước tính vào khoảng 30.000 đô la Mỹ Với sự phát triển của Y học cùng các kỹ thuật thăm dò cận lâm sàng hiện đại đã giúp cho các thầy thuốc tìm hiểu rõ hơn về cơ chế bệnh sinh, nguyên nhân gây bệnh cũng như đạt được những tiến bộ đáng kể trong chẩn đoán và điều trị hội chứng ống cổ tay. Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và được xác định bằng phương pháp thăm dò điện sinh lý của dây thần kinh giữa. Điều trị hội chứng ống cổ tay bao gồm hai phương pháp chính: điều trị nội khoa và phẫu thuật giải phóng chèn ép dây thần kinh giữa. Việc điều trị hội chứng này phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh trên lâm sàng cũng như mức độ tổn thương của dây thần kinh giữa trên điện sinh lý thần kinh.
2. TỔNG QUAN:
2.1. GIẢI PHẪU DÂY THẦN KINH GIỮA VÀ ỐNG CỔ TAY
Dây thần kinh giữa được tạo nên bởi bó ngoài và bó trong của đám rối thần kinh cánh tay (từ rễ cổ C5 đến rễ ngực D1). Dây giữa đi từ hõm nách xuống đến cánh tay, cẳng tay và chui qua ống cổ tay tới bàn tay.
Ống cổ tay được cấu tạo bởi dây chằng ngang cổ tay (transverse carpal ligament) nằm ở bên trên, các xương cổ tay phía dưới và hai bên.
+ Phía trên hay trần của ống cổ tay là dây chằng ngang cổ tay, dây chằng này bắt đầu từ củ của xương thang và xương thuyền, chạy ngang cổ tay đến bám vào móc của xương đậu và xương móc. Dây chằng ngang ống cổ tay có chiều dài trung bình khoảng từ 26mm đến 34mm.
+ Phía ngoài ống cổ tay là xương thuyền và xương thang.
+ Phía trong ống cổ tay là xương đậu và móc xương móc.
+ Phía dưới hay sàn của ống cổ tay là các xương cổ tay.
Trong ống cổ tay dây thần kinh giữa đi cùng với chín gân cơ bao gồm bốn gân cơ gấp các ngón nông, bốn gân cơ gấp các ngón sâu và gân cơ gấp ngón cái dài, gân cơ này nằm phía sau ngoài dây giữa và sát với thành phía bên xương quay của ống cổ tay. Chính do cấu tạo giải phẫu được bao bọc xung quanh chủ yếu bởi các gân cơ, dây chằng và xương nên dây thần kinh giữa rất dễ bị tổn thương khi có những nguyên nhân làm tăng áp lực trong ống cổ tay (hình 1.1).
Hình 1.1: Hình giải phẫu cắt ngang qua ống cổ tay
Ở cổ tay, dây thần kinh giữa tách ra nhánh cảm giác da gan bàn tay trước khi chui vào ống cổ tay, nhánh này chi phối cảm giác cho da vùng ô mô cái. Ở bàn tay dây giữa chia ra các nhánh vận động và cảm giác.
+ Cảm giác: Chi phối vùng da của ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa ngón nhẫn. Trong hội chứng ống cổ tay bệnh nhân thường có rối loạn cảm giác theo chi phối này nhưng không ảnh hưởng đến cảm giác da vùng ô mô cái.
+ Vận động ở bàn tay: Chi phối các cơ giun thứ nhất và thứ hai, cơ đối chiếu ngón cái, cơ dạng ngắn ngón cái. Khi tổn thương có thể thấy các dấu hiệu khó dạng ngón cái kèm theo teo cơ ô mô cái. Một số trường hợp nhánh vận động lại tách ra khỏi dây giữa ngay trong ống cổ tay và chạy xuyên qua dây chằng ngang cổ tay nên rất dễ bị tổn thương trong khi phẫu thuật cắt dây chằng ngang cổ tay để giải phóng dây thần kinh giữa.
2.2. CƠ CHẾ BỆNH SINH CỦA HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY
2.2.1. Tăng áp lực trong ống cổ tay
Tăng áp lực trong ống cổ tay đóng vai trò rất quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của hội chứng ống cổ tay. Bình thường áp lực trong ống cổ tay dao động từ 2 đến 10 mmHg. Khi thay đổi tư thế của cổ tay như gấp ngửa quá mức hoặc khi có lực tác động từ bên ngoài vào sẽ làm tăng áp lực bên trong ống cổ tay gây chèn ép vào dây thần kinh giữa và dẫn đến tổn thương dây thần kinh này.
Áp lực tác động đến dây thần kinh giữa trong ống cổ tay bao gồm áp lực thủy tĩnh của nội dịch và của các thành phần mô xung quanh, áp lực thủy tĩnh có thể tăng dần theo thời gian do các bao hoạt dịch bị dầy lên trong khi đó thì thể tích của khoang ống cổ tay lại không thay đổi. Áp lực trong ống cổ tay cũng thay đổi tuỳ theo vị trí của cổ tay, ngửa cổ tay tối đa làm tăng áp lực lên 10 lần còn gấp cổ tay làm tăng áp lực lên khoảng 8 lần.
Các cơ xung quanh ống cổ tay cũng có vai trò nhất định trong việc làm tăng áp lực trong ống cổ tay và gây chèn ép lên dây thần kinh giữa. Một số trường hợp khi các cơ giun bám thấp gần với dây chằng ngang cổ tay bị phì đại do sự vận động liên tục của các ngón tay cũng có thể làm tăng áp lực trong ống cổ tay. Cơ gan tay dài được các tác giả cho là một yếu tố nguy cơ đối với sự hình thành hội chứng ống cổ tay, khi gân cơ này hoạt động sẽ làm tăng áp lực trong ống cổ tay nhiều hơn bất cứ gân cơ nào khác. Hơn thế nữa cơ này bám vào mạc gan bàn tay phủ lên trên ống cổ tay nên có thể ép vào ống cổ tay và dẫn đến hội chứng ống cổ tay.
2.2.2. Tổn thương dây thần kinh giữa trong hội chứng ống cổ tay
Trong các nghiên cứu thực nghiệm trên động vật thì với áp lực 30mmHg trên dây thần kinh trong vòng 2 giờ đã bắt đầu gây ra tổn thương dây thần kinh và làm thay đổi cấu trúc của mô tế bào thần kinh kéo dài ít nhất một tháng. Một loạt các biến đổi xảy ra khi dây thần kinh bị chèn ép như phù trong bó sợi thần kinh, thoái hóa mất myelin, các phản ứng viêm, thoái hóa sợi trục và dầy các màng của bó sợi thần kinh. Mức độ thoái hóa của sợi trục thường tương quan với mức độ phù nề trong bó sợi thần kinh.
Ở người, tăng áp lực trong ống cổ tay có thể gây ra tổn thương thoái hoá mất myelin của dây thần kinh giữa. Tổn thương mất myelin này lúc đầu có thể xuất hiện ở một số điểm, về sau có thể lan rộng ra toàn bộ cả đoạn dẫn đến hiện tượng nghẽn dẫn truyền thần kinh.
Khi dây thần kinh bị chèn ép kéo dài sẽ làm giảm tưới máu của hệ thống mao mạch xung quanh bó sợi thần kinh, gây nên tình trạng thiếu máu cục bộ và rối loạn chuyển hoá trong dây thần kinh, kèm theo có sự thâm nhập của các tế bào viêm và protein qua hàng rào máu – thần kinh sẽ dẫn đến phù trong bó sợi thần kinh, hậu quả cuối cùng là gây ra thoái hóa mất myelin, viêm sợi thần kinh và thoái hoá sợi trục.
2.2.3. Sự dầy dính của dây thần kinh giữa trong hội chứng ống cổ tay
Bình thường dây thần kinh giữa vẫn chuyển động trong ống cổ tay, có thể trượt lên trên tới 9,6mm khi gấp cổ tay và kém hơn một chút khi ngửa cổ tay. Sự chuyển động của dây giữa phụ thuộc vào các màng bao xung
quanh dây thần kinh, giúp cho nó tránh khỏi tổn thương do bị kéo căng quá mức trong các vận động của khớp cổ tay.
Trong các trường hợp bị chèn ép lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng xơ hoá làm hạn chế sự chuyển động của dây thần kinh giữa trong ống cổ tay, gây nên những tổn thương cho bao dây thần kinh, tạo ra các sẹo và làm cho dây thần kinh giữa bị dính vào tổ chức xung quanh. Hậu quả là khi vận động bàn cổ tay thì dây thần kinh giữa sẽ bị co kéo trong ống cổ tay, dễ bị tổn thương và gây ra hội chứng ống cổ tay trên lâm sàng.
2.2.4. Tổn thương các sợi nhỏ của dây thần kinh giữa
Các nghiên cứu đã cho thấy có sự tổn thương của các sợi nhỏ của dây thần kinh giữa trong hội chứng ống cổ tay . Các sợi này có nhiệm vụ dẫn truyền cảm giác đau, khi bị tổn thương sẽ làm tăng đáp ứng quá mức với kích thích và gây ra cảm giác đau trong hội chứng ống cổ tay.
2.2.5. Tổn thương hàng rào máu-thần kinh (Blood-Nerve)
Hàng rào máu – thần kinh được tạo nên bởi lớp tế bào bên trong của bao ngoài bó sợi thần kinh và sự liên kết chặt chẽ giữa các tế bào nội mô của những vi mạch trong bó sợi thần kinh. Hàng rào máu – thần kinh này có tác dụng điều hoà nội môi thần kinh và bảo vệ cho dây thần kinh.
Khi dây thần kinh bị tổn thương, hàng rào này bị phá vỡ dẫn đến hiện tượng phù và làm cản trở hệ thống vi tuần hoàn trong các bó sợi thần kinh. Các protein và dịch từ mao mạch đi qua hàng rào này, tích tụ bên trong bó sợi thần kinh tạo ra những khoang chứa nhỏ làm tăng áp lực trong các bó sợi thần kinh và dẫn đến tổn thương thiếu máu cục bộ của dây thần kinh.
Ở những người đã có các bệnh lý mạch máu từ trước thường có nguy cơ bị tổn thương hàng rào máu – thần kinh cao hơn những người khác.
2.2.6. Tổn thương thiếu máu của dây thần kinh giữa
Trong giai đoạn sớm của tổn thương dây thần kinh giữa do bị chèn ép thì máu tĩnh mạch bị tắc nghẽn gây ra sự ứ trệ và phù trong dây thần kinh, đây là một đặc điểm quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của hội chứng ống cổ tay. Tác giả Sunderland đã đưa giả thuyết cho rằng sự chèn ép từ bên ngoài sẽ làm giảm lượng máu tĩnh mạch trở về gây ra tăng áp lực trong vùng bị chèn ép, giảm tưới máu và dẫn đến tình trạng thiếu máu dây thần kinh. Tổn thương thiếu máu trong bệnh lý chèn ép dây thần kinh thường bắt đầu bằng tăng áp lực trong dây thần kinh, tiếp theo là tổn thương các mao mạch gây ra hiện tượng thoát quản dẫn đến phù và cuối cùng là giảm tưới máu dây thần kinh.
2.2.7. Hiện tượng viêm và tổn thương của mô bao hoạt dịch
Từ nhiều năm trước, khi hội chứng ống cổ tay lần đầu tiên được phát hiện thì hiện tượng viêm các bao gân đã được nhiều tác giả cho là một trong những nguyên nhân quan trọng của hội chứng này. Các cử động lặp đi lặp lại của bàn tay có thể gây ra phì đại, viêm màng hoạt dịch của các bao gân cơ trong ống cổ tay dẫn đến chèn ép dây thần kinh giữa ở khu vực này.
Nghiên cứu của Hirata đã cho thấy có sự tăng nồng độ các chất Prostaglandin, Interleukin-6 và yếu tố tăng trưởng biểu mô nội mạch ở những bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay. Những yếu tố này có tác dụng kích thích quá trình xơ hoá gây tăng mật độ tế bào xơ non, collagen và tăng sinh mạch máu dẫn đến tăng thể tích của các mô ở trong ống cổ tay và làm tăng áp lực trong ống cổ tay.
2.2.8. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Đa số hội chứng ống cổ tay là nguyên phát hay còn gọi là hội chứng ống cổ tay vô căn (Idiopathic Carpal Tunnel Syndrome). Hội chứng ống cổ tay thứ phát thường do các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ sau:
– Khối choán chỗ vùng ống cổ tay: Thường hiếm gặp như hạch, máu tụ, u mỡ, u bao gân của các cơ gấp.
– Chấn thương: Gãy đầu dưới xương quay là chấn thương hay gặp nhất gây ra hội chứng ống cổ tay cấp tính chiếm khoảng 5,4-8,6%. Ít gặp hơn là gãy các xương cẳng tay và di lệch xương. Những chấn thương gián tiếp gây ra tụ máu cũng dẫn đến hội chứng ống cổ tay.
– Nhiễm khuẩn: Lao thường diễn biến từ từ với biểu hiện của viêm bao gân gấp, nấm cũng có thể gây viêm các bao gân gấp dẫn đến hội chứng ống cổ tay, hay xảy ra ở những người bị suy giảm miễn dịch.
– Bệnh lý về khớp: Viêm khớp dạng thấp làm thay đổi về giải phẫu của ống cổ tay và dẫn đến hội chứng ống cổ tay. Trong bệnh Gout có sự lắng đọng các tinh thể Urat trong mô liên kết và xung quanh ống cổ tay, thâm nhiễm các gân gấp cổ tay và làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay.
– Các bệnh nội tiết: Hội chứng ống cổ tay chiếm tỷ lệ 6-30% trong các trường hợp bệnh nhân đái tháo đường, thời gian mắc đái tháo đường càng lâu thì tỷ lệ mắc hội chứng này càng cao. Các bệnh nhân bị suy giáp cũng có tỷ lệ mắc hội chứng ống cổ tay cao hơn bình thường. Khoảng 64% bệnh nhân mắc bệnh to đầu chi có triệu chứng của hội chứng ống cổ tay, đa số đều có cải thiện về triệu chứng lâm sàng khi được điều trị.
– Bệnh lý suy thận phải lọc máu chu kỳ: Những bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ do suy thận giai đoạn cuối thường hay có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay. Việc tăng thể tích dịch ngoại bào thứ phát, lắng đọng amyloid ở mô mềm xung quanh bao sợi thần kinh và sự vận chuyển dịch khi lọc máu là những yếu tố dẫn đến hội chứng ống cổ tay.
– Béo phì: Béo phì làm tăng khả năng mắc hội chứng ống cổ tay cũng như mức độ nặng của bệnh. Tăng cân nhanh cũng là một nguy cơ mắc hội chứng này do liên quan đến sự ứ dịch trong các mô mềm của ống cổ tay.
– Thai kỳ: Khoảng 33%- 50% phụ nữ mang thai có dấu hiệu lâm sàng của hội chứng ống cổ tay, 17% các trường hợp có bất thường trên dẫn truyền điện sinh lý thần kinh. Các triệu chứng tăng lên theo thời gian mang thai và nặng nhất là ở thời kỳ thứ ba của thai nghén. Nguyên nhân là do ở phụ nữ có thai thường tăng ứ dịch ở khoang ngoài tế bào và gây chèn ép dây thần kinh giữa gây ra hội chứng ống cổ tay.
– Nghề nghiệp: Tỷ lệ mắc hội chứng ống cổ tay ở những người có công việc phải vận động cổ tay nhiều cao hơn hẳn so với những người ít vận động cổ tay.
– Yếu tố di truyền: Nghiên cứu gần đã cho thấy các yếu tố di truyền đóng vai trò nhất định trong bệnh lý hội chứng ống cổ tay thông qua tác động lên các gân cơ gấp và mô liên kết bao hoạt dịch. Người ta đã phát hiện ra một số gien của thụ thể Interleukin – 6 được có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng này, ngược lại một số gien khác lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh với cơ chế làm giảm quá trình chết của các tế bào gân.
– Các yếu tố tuổi, giới: Hội chứng ống cổ tay hay gặp nhất ở lứa tuổi từ 40 đến 60, ở nữ cao hơn ở nam giới. Nguy cơ đặc biệt cao ở phụ nữ lứa tuổi xung quanh giai đoạn mãn kinh, sau cắt bỏ buồng trứng hai bên, dùng thuốc tránh thai và ở những người dùng liệu pháp hoc môn thay thế.
3. ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG CỦA HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY
3.1. Triệu chứng lâm sàng
3.1.1. Rối loạn về cảm giác
Cảm giác chủ quan
Bệnh nhân thường có cảm giác tê bì, dị cảm như kiến bò, đau buốt như kim châm hoặc đau rát bỏng ở vùng da thuộc vùng chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón nhẫn).
Các rối loạn cảm giác trong hội chứng ống cổ tay thường tăng nhiều về đêm làm cho người bệnh phải thức giấc. Nguyên nhân là do có sự ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch ngoại vi về ban đêm, kèm theo tay có thể bị chèn ép khi ngủ gây tăng áp lực thủy tĩnh trong lòng ống cổ tay dẫn đến tăng áp lực trong ống cổ tay và làm cho các triệu chứng nặng lên. Những động tác gấp ngửa cổ tay quá mức hoặc tỳ đè lên vùng ống cổ tay, làm công việc có độ rung lớn, khi lái xe máy cũng làm tăng các triệu chứng đau và tê lên.
Thông thường thì rối loạn cảm giác chỉ xảy ra ở cổ tay và bàn tay nhưng cũng có khi lan lên cẳng tay, đến cánh tay và bả vai nhưng không bao giờ lên đến cổ. Một số bệnh nhân có cảm giác tay lạnh, da khô và thay đổi màu sắc của da bàn tay. Hội chứng ống cổ tay có thể xảy ra ở một tay nhưng cũng có khi cả hai tay.
Các triệu chứng rối loạn cảm giác lúc đầu nhẹ, không thường xuyên nhưng về sau và nhất là ở giai đoạn muộn thì xảy ra thường xuyên hơn và nặng nề hơn.
Cảm giác khách quan
Khám lâm sàng có thể phát hiện giảm hoặc mất cảm giác thuộc khu vực chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón nhẫn). Tuy nhiên cảm giác ở ô mô cái lại bình thường do được chi phối bởi nhánh cảm giác da gan bàn tay, nhánh này không bị ảnh hưởng trong hội chứng ống cổ tay vì nó tách ra trước khi dây thần kinh giữa chui vào trong ống cổ tay.
Giảm cảm giác thường nhẹ lúc đầu, càng về sau càng nặng hơn do tổn thương dây thần kinh thường tăng dần theo thời gian.
3.1.2. Rối loạn về vận động
Biểu hiện về rối loạn vận động của dây thần kinh giữa trong hội chứng ống cổ tay ít gặp hơn rối loạn cảm giác và hay xảy ra ở giai đoạn muộn của bệnh. Bệnh nhân thường mô tả bàn tay trở nên yếu và vụng về hơn, khó cài nút khuy áo, hay làm rơi đồ vật khi cầm nắm. Khám có thể thấy yếu cơ dạng ngón cái ngắn và cơ đối chiếu ngón cái
+ Yếu cơ dạng ngắn ngón cái: Bệnh nhân dạng ngón cái và để vuông góc với bàn tay, người khám dùng ngón tay đẩy ngược lại. Cần so sánh hai bên để đánh giá.
+ Yếu cơ đối chiếu ngón cái: Bệnh nhân dùng đầu ngón cái bấm vào đầu ngón út và giữ chặt, trong khi đó người khám dùng tay tách hai ngón đó ra.
Giai đoạn muộn hơn nữa có thể gặp biểu hiện teo cơ ô mô cái, thường biểu hiện teo cơ này chỉ xảy ra khi đã có tổn thương sợi trục của dây thần kinh.
3.2. Các nghiệm pháp lâm sàng: Các nghiệm pháp hay được áp dụng trong lâm sàng để phát hiện hội chứng ống cổ tay hiện nay là:
– Nghiệm pháp Tinel
– Nghiệm pháp Phalen
– Nghiệm pháp ấn vùng cổ tay
Nghiệm pháp Tinel
Dùng ngón tay hoặc búa phản xạ gõ vào vùng ống cổ tay, nghiệm pháp dương tính là khi gõ sẽ gây ra cảm giác tê hoặc đau theo chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay (hình 1.2). Cơ chế của nghiệm pháp này là khi gõ lên trên vùng ống cổ tay sẽ tác động vào dây thần kinh giữa đang bị tổn thương sẵn gây ra hiện tượng phóng lực tại chỗ làm xuất hiện cảm giác đau và tê đặc trưng theo chi phối của dây giữa ở bàn tay. Khi tiến hành nghiệm pháp này người thầy thuốc nên chú ý gõ với lực vừa phải, tránh dùng lực quá mạnh sẽ gây ra dấu hiệu dương tính giả. Độ nhạy của nghiệm pháp này khoảng 50% – 60% và độ đặc hiệu là 67% – 87%.
Hình 1.2: Nghiệm pháp Tinel
Nghiệm pháp Phalen
Yêu cầu người bệnh gấp hai cổ tay tối đa sát vào nhau trong vòng 60 giây (hình 1.3). Nghiệm pháp dương tính nếu bệnh nhân xuất hiện hoặc làm tăng các triệu chứng đau và tê theo chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay. Khi bệnh nhân gấp hai cổ tay tối đa sát vào nhau dẫn đến làm tăng áp lực trong ống cổ tay và tác động lên các sợi thần kinh của dây giữa đã bị tổn thương gây ra triệu chứng tê, đau theo chi phối của thần kinh giữa ở bàn tay. Để hạn chế tỷ lệ dương tính giả cần phải chú ý khi gấp cổ tay người bệnh không được dùng lực gấp quá mạnh để ép hai cổ tay lại.
Nghiệm pháp này có độ nhạy khoảng 68% và độ đặc hiệu là 73%.
Hình 1.3: Nghiệm pháp Phalen
Nghiệm pháp ấn vùng ống cổ tay
Người khám dùng một hoặc hai ngón tay cái ấn lên phía trên dây thần kinh giữa đoạn ống cổ tay của bệnh nhân trong 30 giây (hình 1.4). Trong hội chứng ống cổ tay sẽ gây ra cảm giác tê hoặc đau theo chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay. Cơ chế của nghiệm pháp này là gây tăng áp lực trong ống cổ tay khi ấn trực tiếp lên vùng cổ tay của người bệnh dẫn đến sự xuất hiện các triệu chứng về rối loạn cảm giác theo chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay.
Độ nhạy và đặc hiệu của nghiệm pháp này khoảng 64% và 83%.
Hình 1.4: Nghiệm pháp ấn vùng cổ tay
3.3. Phân độ hội chứng ống cổ tay trên lâm sàng
Có nhiều phân loại được đưa ra để đánh giá mức độ nặng nhẹ trên lâm sàng của hội chứng ống cổ tay nhưng cho đến nay được áp dụng rộng rãi nhất vẫn là phân loại của Levine và cộng sự. Phân loại này này sử dụng bộ câu hỏi Boston về triệu chứng và chức năng bàn tay, mỗi câu hỏi đều được cho điểm từ 1 đến 5 tương ứng với mức độ bình thường, nhẹ, trung bình, nặng và rất nặng. Các câu hỏi về Boston triệu chứng bao gồm 11 câu hỏi chủ yếu đánh giá về các biểu hiện cũng như mức độ rối loạn cảm giác của bệnh nhân hội chứng ống cổ tay như đau, tê bì, dị cảm như kiến bò. Các câu hỏi về Boston chức năng bao gồm 8 câu hỏi về khả năng vận động bàn tay của người bệnh khi làm các công việc thường ngày.
Thang điểm Boston có ưu điểm là dễ áp dụng, độ tin cậy cao và phù hợp với các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân hội chứng ống cổ tay. Chính vì vậy thang điểm này đã được Hội Phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng trong các nghiên cứu về hiệu quả điều trị của hội chứng ống cổ tay. Phân loại lâm sàng hội chứng ống cổ tay dựa trên theo thang điểm này được chia làm 5 mức độ tính theo điểm trung bình Boston triệu chứng và Boston chức năng từ bình thường, nhẹ, trung bình, nặng đến rất nặng.
4. CHẨN ĐOÁN HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY
4.1. Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định hội chứng ống cổ tay khi bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng và bằng chứng của tổn thương dây thần kinh giữa đoạn qua ống cổ tay trên điện sinh lý thần kinh trong khi các dây thần kinh khác bình thường. Phần lớn các nghiên cứu lâm sàng hiện nay đều áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng ống cổ tay của Hội Thần kinh học Hoa Kỳ.
– Lâm sàng
+ Triệu chứng
Cảm giác đau ở bàn tay, có thể lan lên cẳng tay và cánh tay.
Tê bì, cảm giác tê như kiến bò ở bàn tay.
Giảm vận động bàn tay, vụng về khi cầm nắm.
Khô da, nề hoặc thay đổi màu sắc vùng da bàn tay.
Các triệu chứng này xảy ra theo khu vực chi phối của dây giữa ở bàn tay.
+ Đặc điểm các triệu chứng
Tăng lên về đêm, khi giữ tay lâu ở một tư thế cố định, khi làm những
động tác vận động bàn tay và cổ tay lặp đi lặp lại nhiều lần.
Giảm khi vẩy tay hoặc khi thay đổi tư thế của bàn cổ tay.
+ Khám lâm sàng
Khám lâm sàng có thể bình thường.
Các nghiệm pháp lâm sàng dương tính (Phalen, Tinel, ấn vùng cổ tay).
Giảm hoặc mất cảm giác da bàn tay thuộc chi phối của dây thần kinh giữa.
Yếu cơ dạng ngắn ngón cái, cơ đối chiếu ngón cái, teo cơ ô mô cái.
Khô da vùng ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa ngón nhẫn.16
– Điện sinh lý thần kinh: Có bằng chứng tổn thương dây thần kinh giữa đoạn qua ống cổ tay trên điện sinh lý trong khi các dây thần kinh khác bình thường (dây trụ, dây quay) dựa theo Hướng dẫn chẩn đoán điện sinh lý trong hội chứng ống cổ tay của Hội Thần kinh học, Hội chẩn đoán điện sinh lý Y khoa và Hội phục hồi chức năng Hoa Kỳ năm 2002.
4.2. Chẩn đoán phân biệt: Hội chứng ống cổ tay là một hội chứng lâm sàng nên cần phải phân biệt với các bệnh lý khác có biểu hiện lâm sàng tương tự.
Hội chứng cơ sấp tròn (Pronator syndrome)
Là hội chứng dây thần kinh giữa bị chèn ép vùng khuỷu, hay gặp nhất là chèn ép do cơ sấp tròn, ngoài ra còn do dây chằng, cân cơ vùng khuỷu.
Triệu chứng cảm giác và vận động giống như hội chứng ống cổ tay: tê bì, dị cảm, đau, giảm cảm giác ở vùng da thuộc vùng chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay. Tuy nhiên các rối loạn cảm giác này không tăng về đêm hoặc đi xe, tỳ đè như trong hội chứng ống cổ tay mà lại tăng lên khi làm động tác quay sấp cẳng tay. Hơn nữa triệu chứng cảm giác xảy ra cả ở vùng gan bàn tay và ô mô cái do nhánh thần kinh cảm giác da gan bàn tay cũng bị ảnh hưởng.
Các nghiệm pháp lâm sàng như Phalen, Tinel và ấn vùng cổ tay âm tính.
Một số nghiệm pháp khác dương tính trong hội chứng cơ sấp tròn:
Nghiệm pháp ấn vào vùng cơ sấp tròn ở mặt trên và trong cẳng tay: dương tính khi xuất hiện tê và đau theo chi phối của dây thần kinh giữa trong vòng 30 giây. Nghiệm pháp gõ vào vùng cơ sấp tròn ở phía trên và trong cẳng tay: cũng đánh giá như nghiệm pháp trên. Nghiệm pháp đối kháng quay sấp và ngửa cẳng tay trong tư thế gấp khuỷu: người bệnh để tay tư thế khuỷu gấp 90 độ và cố gắng làm ngược lại trong khi người khám làm động tác quay sấp hoặc ngửa cẳng tay bệnh nhân. Nghiệm pháp dương tính khi có triệu chứng cảm giác của dây giữa ở bàn tay. Nghiệm pháp đối kháng gấp khớp bàn ngón của ngón tay giữa dương tính trong trường hợp dây thần kinh giữa bị chèn ép bởi cung xơ của cơ gấp các ngón tay nông.
Điện sinh lý thần kinh: Bất thường về dẫn truyền thần kinh giữa đoạn qua khuỷu tay trong khi dẫn truyền đoạn cổ tay bình thường.
Bệnh lý các rễ thần kinh cổ
Các bệnh lý gây tổn thương rễ thần kinh vùng cổ đặc biệt C6 hoặc C7 có thể gây ra triệu chứng lâm sàng giống hội chứng ống cổ tay như đau và tê bàn tay.
Trong tổn thương rễ thần kinh cổ thường có triệu chứng đau ở vùng cổ, đau tăng khi vận động cổ, đau lan từ cổ xuống vai và tay. Giảm phản xạ gân xương cơ nhị đầu, cơ cánh tay quay, cơ tam đầu (chi phối bởi rễ C6 /C7). Yếu các cơ chi phối động tác gấp và duỗi khuỷu, sấp tay. Giảm và mất cảm giác ở vùng gan bàn tay và cẳng tay không thuộc chi phối của dây thần kinh giữa.
Điện sinh lý thần kinh: dẫn truyền thần kinh giữa đoạn qua ống cổ tay bình thường.Có thể thấy hình ảnh mất chi phối thần kinh trên điện cơ ở những nhóm cơ được chi phối bởi các rễ thần kinh cổ này.
Bệnh lý các rễ thần kinh cổ phối hợp với hội chứng ống cổ tay
Biểu hiện lâm sàng bao gồm cả triệu chứng của tổn thương các rễ thần kinh cổ và triệu chứng của hội chứng ống cổ tay.
Điện sinh lý thần kinh thấy bất thường dẫn truyền của dây giữa đoạn qua ống cổ tay. Đồng thời có thể thấy hình ảnh mất chi phối thần kinh khi ghi điện cơ ở những nhóm cơ được chi phối bởi các rễ thần kinh cổ.
Bệnh lý tổn thương tủy cổ
Gặp trong ép tủy cổ do thoát vị đĩa đệm, khối choán chỗ, rỗng tủy cổ…
Lâm sàng thường tiến triển tăng dần dẫn đến rối loạn cảm giác và giảm vận động cả hai tay, teo cơ gian đốt.
Có thể gặp tăng phản xạ gân xương cả tứ chi trong trường hợp tổn thương tủy cổ cao. Giảm phản xạ gân xương ở hai tay và tăng ở hai chân trong trường hợp tổn thương tủy cổ thấp.
Đôi khi có rối loạn cơ tròn.
Dẫn truyền của dây thần kinh giữa đoạn cổ tay bình thường.
Bệnh lý đám rối thần kinh cánh tay
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay đôi khi cũng có biểu hiện triệu chứng lâm sàng giống như hội chứng ống cổ tay.
Tuy nhiên trong tổn thương đám rối thần kinh cánh tay bao giờ cũng có các rối loạn về cảm giác, vận động và phản xạ gân xương khác ngoài phạm vi chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay.
Dẫn truyền của dây thần kinh giữa đoạn cổ tay bình thường.
Bệnh lý nhiều dây thần kinh ngoại vi
Triệu chứng rối loạn cảm giác như tê bì, đau, giảm cảm giác xảy ra ở cả tay và chân hai bên chứ không chỉ khu trú theo chi phối của dây giữa ở bàn tay như trong hội chứng ống cổ tay.
Yếu cơ, giảm vận động cũng thường gặp ở tứ chi, ưu thế ngọn chi.
Phản xạ gân xương tay chân hai bên thường giảm hoặc mất.
Điện sinh lý thần kinh: Bất thường về dẫn truyền vận động và cảm giác
của các dây thần kinh ngoại vi ở cả tay và chân hai bên.
5. ĐIỆN SINH LÝ THẦN KINH TRONG HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY
Điện sinh lý có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán xác định hội chứng ống cổ tay. Không những thế điện sinh lý còn giúp cho chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng lâm sàng giống hội chứng ống cổ tay cũng như xác định các tổn thương thần kinh khác đi kèm với hội chứng ống cổ tay.
Đây là thăm dò cơ bản không thể thiếu trước khi điều trị hội chứng ống cổ tay, giúp cho thầy thuốc đánh giá được mức độ tổn thương của dây thần kinh giữa và qua đó lựa chọn được phương pháp điều trị thích hợp cho người bệnh. Ngoài ra cùng với lâm sàng, điện sinh lý còn có vai trò quan trọng trong việc theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
5.1. Các kỹ thuật thăm dò điện sinh lý thần kinh áp dụng trong hội chứng ống cổ tay
5.1.1. Đo dẫn truyền thần kinh cảm giác
Các sợi thần kinh cảm giác thường dễ bị tổn thương hơn sợi thần kinh vận động khi bị chèn ép. Chính vì vậy mà các thay đổi về dẫn truyền thần kinh cảm giác thường có độ nhạy cao hơn những thay đổi về dẫn truyền thần kinh vận động.
Dẫn truyền thần kinh giữa cảm giác đoạn cổ tay – ngón tay
Có hai phương pháp đo dẫn truyền thần kinh cảm giác:
+ Ghi thuận chiều (Orthodromic): Điện cực kích thích đặt tại ngón trỏ, điện cực ghi đặt ở cổ tay trên đường đi của dây giữa, xung điện đi xuôi chiều sinh lý của dẫn truyền cảm giác.
+ Ghi ngược chiều (Antidromic): Điện cực ghi đặt tại ngón trỏ hoặc có thể đặt ở ngón giữa, điện cực kích thích đặt tại cổ tay trên đường đi của dây giữa. Xung động đi ngược chiều sinh lý của dẫn truyền cảm giác.
Khoảng cách giữa điện cực kích thích và điện cực ghi là 13 – 14cm.
Giảm tốc độ dẫn truyền và kéo dài thời gian tiềm cảm giác ngoại vi phản ánh tổn thương myelin của dây thần kinh giữa. Giảm biên độ đáp ứng của điện thế cảm giác hoặc không đo được đáp ứng cảm giác thể hiện tổn
thương sợi trục của dây thần kinh giữa cảm giác.
Trong hội chứng ống cổ tay thời gian tiềm cảm giác của dây giữa thường bị kéo dài và giảm tốc độ dẫn truyền cảm giác. Vì biên độ cảm giác thường dao động khác nhau nên nếu như chỉ có giảm biên độ cảm giác đơn thuần mà thời gian tiềm cảm giác bình thường thì không thể kết luận là hội chứng ống cổ tay được mà phải tiến hành thêm kỹ thuật khác.
Đây là một trong những kỹ thuật phổ biến nhất của thăm dò điện sinh lý trong hội chứng ống cổ tay. Mặc dù độ nhạy chỉ 65% nhưng độ đặc hiệu tương đối cao 98%.
Hiệu thời gian tiềm cảm giác giữa- trụ cùng bên (cổ tay – ngón tay)
Phương pháp ghi ngược chiều, điện cực ghi ở ngón 2 hoặc ngón 3 đối với dây thần kinh giữa và ở ngón 5 đối với dây thần kinh trụ. Điện cực kích thích đối với dây thần kinh giữa nằm ở cổ tay trên đường đi của dây giữa, đối với dây thần kinh trụ nằm ở cổ tay trên đường đi dây trụ.
Trong hội chứng ống cổ tay thường có sự bất thường về hiệu số giữa thời gian tiềm cảm giác ngoại vi dây giữa và dây trụ. Theo nghiên cứu của Kuntzer thì độ nhạy của chỉ số này là 61% nhưng độ đặc hiệu rất cao 100%. Còn theo các tác giả Nguyễn Hữu Công, Võ Hiền Hạnh và Nguyễn Lê Trung Hiếu thì chỉ số này có giá trị cao trong chẩn đoán hội chứng ống cổ tay với độ nhạy là 91,8% – 98,9%.
Hiệu thời gian tiềm cảm giác giữa – trụ cùng bên (cổ tay – ngón nhẫn)
Điện cực ghi đều đặt ở ngón nhẫn, điện cực kích thích đặt ở cổ tay trên đường đi của dây giữa và dây trụ. Khoảng cách giữa điện cực kích thích và điện cực ghi của dây giữa và dây trụ đều bằng nhau (11cm). Đây là kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu cao 85% – 97% nên cũng thường được áp dụng trong điện sinh lý chẩn đoán hội chứng ống cổ tay.
So sánh dẫn truyền của dây giữa – trụ hỗn hợp (cổ tay – bàn tay)
Điện cực ghi của dây giữa ở cổ tay, điện cực kích thích cách điện cực ghi 8cm trên đường nối dây thần kinh giữa ở cổ tay với khe giữa ngón trỏ và ngón giữa.
Điện cực ghi của dây trụ ở cổ tay, điện cực kích thích cách điện cực ghi 8cm trên đường nối dây thần kinh trụ ở cổ tay với khe giữa ngón nhẫn và ngón út.
Trong hội chứng ống cổ tay thời gian tiềm tàng cảm giác dây thần kinh giữa sẽ kéo dài với độ nhạy và độ đặc hiệu tương đối cao (74% và 97%).
Hơn nữa nếu sự khác nhau giữa hai dây thần kinh vượt quá 0,3ms cũng chứng tỏ có tổn thương dây thần kinh giữa với độ nhạy là 71% và độ đặc hiệu là 97%. Sự phối hợp giữa hai chỉ số càng làm tăng giá trị chẩn đoán của phương pháp này.
Hiệu thời gian tiềm cảm giác giữa – quay cùng bên
Điện cực ghi đặt ở ngón cái. Điện cực kích thích đặt trên đường đi của dây thần kinh giữa và dây thần kinh quay đoạn cổ tay với khoảng cách đều bằng nhau (10cm).
Nếu thời gian tiềm tàng cảm giác dây thần kinh giữa lớn hơn dây thần kinh quay 0,5ms chứng tỏ có tổn thương dây thần kinh giữa trong ống cổ tay. Độ nhạy của kỹ thuật này là 65%, độ đặc hiệu cao hơn 99%.
Kỹ thuật này thường được ứng dụng trong trường hợp hội chứng ống cổ tay có triệu chứng chủ yếu ở ngón cái và các thăm dò dẫn truyền cảm giác khác trong giới hạn bình thường.
Sự phối hợp giữa các chỉ số dẫn truyền cảm giác
Sự phối hợp các chỉ số dẫn truyền cảm giác trong thăm dò điện sinh lý dây thần kinh giữa sẽ làm giảm sai số và làm tăng độ nhạy cũng như độ đặc hiệu, cho phép chẩn đoán được hội chứng ống cổ tay ngay cả ở những giai đoạn rất nhẹ của bệnh.
Tổng của các chỉ số chênh lệch giữa dây thần kinh giữa và trụ ở cổ tay – ngón nhẫn, dây giữa và dây trụ ở cổ tay – bàn tay, dây giữa và dây quay ở cổ tay – ngón cái mà trên 1,0ms chứng tỏ có bất thường dẫn truyền dây thần kinh giữa, với độ nhạy là 83% và độ đặc hiệu cao hơn của từng chỉ số riêng lẻ.
Tuy nhiên trong thực hành lâm sàng thì chỉ cần có một trong những tiêu chuẩn về dẫn truyền cảm giác bất thường là đã đủ kết luận chứ không cần phải tính đến tổng của tất cả các chỉ số này.
5.1.2. Đo dẫn truyền thần kinh vận động
Điện cực ghi đặt ở ô mô cái (cơ dạng ngắn ngón cái), điện cực kích thích đặt ở cổ tay, nếp khuỷu và nách trên đường đi của dây thần kinh giữa. Giảm tốc độ dẫn truyền vận động, kéo dài thời gian tiềm vận động ngoại vi phản ánh tổn thương thoái hóa myelin của dây thần kinh. Giảm biên độ của điện thế hoạt động thể hiện tổn thương sợi trục của dây thần kinh giữa vận động.
Trong hội chứng ống cổ tay có thể gặp các bất thường như kéo dài thời gian tiềm vận động ngoại vi, giảm biên độ đáp ứng và giảm tốc độ dẫn truyền vận động của dây thần kinh giữa.
Đây cũng là một kỹ thuật được thực hiện thường quy trong thăm dò điện sinh lý thần kinh giữa đoạn qua ống cổ tay. Mặc dù độ nhạy kém hơn dẫn truyền về cảm giác nhưng có tác dụng đánh giá mức độ nặng của tổn thương dây giữa do các sợi vận động thường bị ảnh hưởng ở giai đoạn muộn. Độ nhạy của kéo dài thời gian tiềm vận động ngoại vi dây giữa là 63%, độ đặc hiệu cao thường hơn. Trong một số nghiên cứu khác thì độ nhạy thậm chí còn thấp hơn chỉ từ 44 đến 55%.
Hiệu thời gian tiềm vận động của dây giữa – trụ cùng bên
Điện cực ghi nằm ở ô mô cái (cơ dạng ngắn ngón cái) đối với dây giữa, ô mô út (cơ dạng ngón út) đối với dây trụ. Điện cực kích thích nằm ở cổ tay trên đường đi của dây giữa và dây trụ. Hiệu số thời gian tiềm vận động ngoại vi giữa – trụ có độ nhạy tương đối cao trong chẩn đoán hội chứng ống cổ tay, theo Sander thì độ nhạy là 85-88% [39], theo Nguyễn Hữu Công,Võ Hiền Hạnh thì độ nhạy là 95,5%.
Cũng có thể so sánh với thời gian tiềm vận động ngoại vi của dây thần kinh giữa bên đối diện, có giá trị chẩn đoán nếu khác biệt trên 1,0ms. Tuy nhiên do tỷ lệ mắc hội chứng ống cổ tay cả hai tay gặp khá cao nên phương pháp này ít khi được áp dụng.
Giảm biên độ đáp ứng đơn thuần không có giá trị chẩn đoán hội chứng ống cổ tay. Kéo dài thời gian tiềm tàng vận động ngoại vi đơn thuần mà không có bất thường về dẫn truyền cảm giác rất hiếm gặp trong hội chứng ống cổ tay. Trong trường hợp này phải tiến hành các kỹ thuật khác để loại trừ những bệnh về rễ thần kinh cổ và bệnh lý thần kinh vận động.
5.1.3. Ghi điện cơ bằng điện cực kim
Tỷ lệ bình thường khi ghi điện cơ ở các bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay khá cao, có thể tới 60% nếu trong giai đoạn nhẹ và trung bình của bệnh. Ghi điện cơ là một phương pháp xâm lấn, gây đau và cũng khá tốn kém. Chính vì vậy mà phương pháp này không được sử dụng một cách thường quy, thông thường chỉ dùng trong trường hợp có biểu hiện teo cơ ô mô cái (giai đoạn muộn). Ngoài ra theo Hướng dẫn về điện sinh lý thần kinh trong hội chứng ống cổ tay của Hoa Kỳ năm 2002 thì nên ghi điện cơ ở một số nhóm cơ khác trong trường hợp nghi ngờ có những tổn thương thần kinh khác gây ra biểu hiện lâm sàng giống hội chứng ống cổ tay hoặc phối hợp với tổn thương dây thần kinh giữa đoạn trong ống cổ tay.
Ghi điện cơ tại cơ ô mô cái chủ yếu đánh giá điện thế và các đơn vị vận động khi cắm kim, khi nghỉ, co cơ nhẹ và khi co cơ gắng sức nhằm phát hiện những biểu hiện của thoái hóa thần kinh.
5.2. Phân độ tổn thương trên điện sinh lý thần kinh trong hội chứng ống cổ tay
Có nhiều phương pháp phân loại mức độ tổn thương của dây giữa trên điện sinh lý thần kinh trong hội chứng ống cổ tay. Trong đó phân loại của Padua đã được nhiều tác giả áp dụng trong nghiên cứu về hội chứng ống cổ tay, phân loại này chia làm sáu mức độ:
– Rất nặng: Không có đáp ứng về điện thế cảm giác và vận động của dây thần kinh giữa đoạn qua ống cổ tay.
– Nặng: Không có đáp ứng về điện thế cảm giác nhưng vẫn còn đáp ứng về điện thế vận động, giảm dẫn truyền vận động của dây giữa đoạn qua ống cổ tay.
– Trung bình: Giảm dẫn truyền cả về cảm giác và vận động của dây thần kinh giữa đoạn qua ống cổ tay.
– Nhẹ: Giảm dẫn truyền cảm giác của dây giữa đoạn qua ống cổ tay nhưng không có tổn thương về dẫn truyền vận động của dây giữa đoạn qua ống cổ tay.
– Rất nhẹ: Các chỉ số điện sinh lý về dẫn truyền cảm giác và vận động của dây thần kinh giữa đều bình thường, chỉ có bất thường khi so sánh dẫn truyền thần kinh của dây giữa với dây trụ cùng bên.
– Bình thường: Các chỉ số điện sinh lý về dẫn truyền cảm giác và vận động của dây giữa đều bình thường, không có bất thường khi so sánh dẫn truyền thần kinh của dây giữa với dây trụ cùng bên.
6. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY
6.1. Phương pháp điều trị không phẫu thuật
Các phương pháp điều trị nội khoa thường được áp dụng cho các trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay ở mức độ nhẹ và trung bình.
1.6.1.1. Chế độ sinh hoạt và lao động
– Hạn chế các vận động làm gấp hoặc ngửa cổ tay quá mức, những tư thế này sẽ làm tăng áp lực trong ống cổ tay lên và do đó làm tăng triệu chứng của tổn thương dây thần kinh giữa nhiều hơn.
– Tư thế làm việc phải phù hợp: Khuỷu tay nên để tư thế tạo góc từ 85 đến 100 độ, cổ tay để tư thế trung gian.
– Hạn chế làm việc liên quan độ rung nhiều.
6.1.2. Dùng nẹp cổ tay
Thường dùng loại nẹp nhẹ để giữ cho cổ tay luôn ở tư thế trung gian nhưng các ngón tay vẫn hoạt động bình thường được. Sử dụng vào ban đêm và khi cần thiết để làm việc ban ngày. Nghiên cứu về sử dụng nẹp cổ tay vào ban đêm, ít nhất 6 giờ một đêm trong vòng 6 tháng cho thấy không những cải thiện về triệu chứng lâm sàng mà còn cải thiện được cả dẫn truyền thần kinh kéo dài tới 6 tháng.
Nghiên cứu của Hall 2013 sử dụng phương pháp nẹp liên tục trong 8 tuần cho thấy tác dụng rõ rệt của phương pháp này trong điều trị hội chứng ống cổ tay. Theo Hướng dẫn điều trị hội chứng ống cổ tay của Hội phẫu thuật chỉnh hình Hoa kỳ dựa trên bằng chứng năm 2016 thì nẹp ống cổ tay là một trong những phương pháp có tác dụng trong điều trị hội chứng ống cổ tay.
6.1.3. Tiêm steroid tại chỗ
Tiêm steroid vào vùng ống cổ tay có tác dụng làm giảm phù nề của các bao hoạt dịch và tổ chức phần mềm trong ống cổ tay, làm giảm thiếu máu cục bộ dây thần kinh và giảm áp lực trong ống cổ tay dẫn đến cải thiện các triệu chứng lâm sàng cũng như dẫn truyền của dây thần kinh giữa trong hội chứng ống cổ tay. Phương pháp này được áp dụng rộng rãi cho những trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay ở mức độ nhẹ và trung bình.
Theo Hướng dẫn của Hội phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ năm 2016 thì phương pháp tiêm steroid có hiệu quả tốt rõ rệt trong điều trị hội chứng ống cổ tay. Atroshi và cộng sự đã sử dụng tiêm methylprednisolon để điều trị hội chứng ống cổ tay trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng.
Đánh giá sau 10 tuần cho thấy có sự cải thiện rõ rệt ở nhóm dùng methylprednisolon so với giả dược.
So sánh về liều dùng cũng như số lần tiêm steroid cũng được nhiều tác giả nghiên cứu. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả điều trị hội
chứng ống cổ tay giữa các liều 20mg, 40mg và 60mg methylprednisolon sau 1 năm, cũng như không thấy sự khác biệt giữa nhóm tiêm steroid một lần với nhóm tiêm hai lần. Nghiên cứu gần đây cho thấy tiêm steroid có tác dụng làm giảm triệu chứng lâm sàng, cải thiện chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay và hiệu quả này có thể kéo dài tới hai năm.
Habib và cộng sự khi so sánh giữa hai phương pháp tiêm: tiêm ở cổ tay và tiêm ở gan bàn tay cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả trên lâm sàng sau 1, 3, 6 và 12 tuần giữa hai phương pháp này.
Phương pháp tiêm steroid dưới sự hướng dẫn của siêu âm cũng áp dụng trong những năm gần đây. Nghiên cứu của Ustün cho thấy nhóm tiêm steroid dưới sự hướng dẫn của siêu âm có vẻ làm cải thiện triệu chứng sớm và tốt hơn nhóm tiêm steroid không có siêu âm, nhưng không có sự khác biệt về tác dụng phụ giữa hai nhóm.Tuy nhiên phương pháp tiêm không có sự hướng dẫn của siêu âm vẫn được áp dụng phổ biến hơn do tính hiệu quả, tiện lợi, chi phí thấp, có thể thực hiện ở mọi cơ sở Y tế có bác sĩ chuyên khoa mà không cần đến sự hỗ trợ của máy siêu âm, phù hợp với điều kiện thực tế ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
6.1.4. Các thuốc khác
Corticoid đường uống: Theo Hướng dẫn điều trị hội chứng ống cổ tay của Hội phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ năm 2016 thì Corticoid đường uống có hiệu quả hơn so với giả dược. Nghiên cứu của Chang cũng cho
thấy Corticoid làm giảm triệu chứng hơn so với lợi tiểu, chống viêm giảm đau không steroid và giả dược trong điều trị hội chứng ống cổ tay. Không có sự khác biệt giữa việc sử dụng Corticoid trong 2 tuần và 4 tuần. Tuy nhiên Corticoid đường uống vẫn kém hiệu quả hơn so với tiêm tại chỗ trong điều trị hội chứng ống cổ tay.
Gabapentin: Một số nghiên cứu về tác dụng của thuốc này với hội chứng ống cổ tay cho thấy có sự cải thiện tốt hơn nhưng không quá nhiều.
Thuốc chống viêm giảm đau không steroid: Được cho rằng có tác dụng làm giảm quá trình viêm trong ống cổ tay đặc biệt trong trường hợp viêm bao gân. Tuy nhiên có những nghiên cứu cho thấy các thuốc này không có tác dụng rõ rệt trong điều trị hội chứng ống cổ tay so với giả dược.
Lợi tiểu: Một số nghiên cứu cho rằng sử dụng lợi tiểu có khả năng cải thiện triệu chứng trong hội chứng ống cổ tay nhưng cũng cần phải đánh giá thêm.
Thuốc gây tê tại chỗ: Một số tác giả đã dùng miếng dán gây tê để điều trị hội chứng ống cổ tay dựa trên tác dụng làm ổn định màng tế bào thần kinh của thuốc tê. Một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả ngắn hạn tương đối khả quan.
6.1.5. Các phương pháp phục hồi chức năng
Vật lý trị liệu: Một trong những cơ chế bệnh sinh của hội chứng ống cổ tay là có sự dầy dính và thâm nhiễm bao hoạt dịch các gân nên xoa bóp có thể cải thiện lưu lượng máu ở khu vực này và tăng cường sự chuyển động giữa gân và thần kinh, làm giảm sự kéo căng dây thần kinh.
Bài tập dịch chuyển gân và dây thần kinh: Nhằm cải thiện vận động giữa các mô, làm giảm phù nề và cải thiện mạch máu nuôi dây thần kinh.Tuy nhiên bằng chứng về việc giảm triệu chứng ở hội chứng ống cổ tay còn chưa rõ ràng.
Điều trị bằng siêu âm – điện phân: Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng siêu âm trị liệu có hiệu quả hơn so với điện phân. Nghiên cứu của Ebenbichler cho thấy có sự cải thiện hơn về triệu chứng lâm sàng ở nhóm điều trị bằng siêu âm so với nhóm chứng.
Điều trị bằng Laser: Nghiên cứu của Chang 2008 về hiệu quả của laser trong điều trị hội chứng ống cổ tay cho thấy có sự cải thiện về cơ lực sau 4 tuần điều trị. Theo Fusakul và cộng sự, ở tuần thứ 12 sau điều trị thời gian tiềm vận động dây giữa và sức cơ được cải thiện tốt hơn.
Châm cứu: Một số nghiên cứu cho thấy châm cứu có thể cải thiện triệu chứng lâm sàng cũng như dẫn truyền của dây thần kinh giữa.
6.2. Các phương pháp điều trị phẫu thuật
Mục đích của các phương pháp điều trị phẫu thuật là mổ cắt dây chằng ngang ống cổ tay để giải phóng chèn ép cho dây thần kinh giữa. Các nghiên cứu cho thấy phương pháp điều trị phẫu thuật có hiệu quả rõ rệt hơn so với các phương pháp điều trị không phẫu thuật khác như dùng nẹp cổ tay, thuốc uống hay tiêm steroid.
Có nhiều kỹ thuật mổ như phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi nhưng theo các nghiên cứu về phẫu thuật trong điều trị hội chứng ống cổ tay thì chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy phương pháp phẫu thuật nào có hiệu quả hơn hẳn.Trong hội chứng ống cổ tay vô căn thì chỉ định điều trị phẫu thuật khi
– Hội chứng ống cổ tay mức độ trung bình và nặng.
– Điều trị nội khoa và các phương pháp khác thất bại.
6.2.1. Phương pháp phẫu thuật mở
Phẫu thuật mở hiện nay vẫn là một phương pháp chuẩn mực trong điều trị hội chứng ống cổ tay, không đòi hỏi nhiều trang thiết bị đặc biệt, có thể tiến hành được ở hầu hết các phòng mổ. Phương pháp mổ mở cho phép quan sát toàn diện dây chằng ngang cổ tay và các cấu trúc bên trong ống cổ tay, giải phóng được hoàn toàn dây thần kinh giữa, hạn chế được tổn thương thần kinh.
Các phương pháp trong phẫu thuật mở
+ Phương pháp phẫu thuật mở kinh điển
+ Phương pháp phẫu thuật mở tối thiểu
Phương pháp phẫu thuật tối thiểu được Bromley mô tả đầu tiên năm 1994 sau đó đã phổ biến rộng rãi với ưu điểm là đường rạch da ngắn, sẹo nhỏ, giảm tỷ lệ đau sau mổ, hồi phục nhanh hơn, đồng thời cũng không cần nhiều trang thiết bị như nội soi mà vẫn cho phép quan sát tốt trong phẫu thuật ống cổ tay.
Sau mổ nên bắt đầu các bài tập sớm cho vùng khuỷu tay, cổ tay và ngón tay sau mổ để tránh cứng khớp. Để tránh gây đau do vết mổ, các kỹ thuật xoa bóp có thể tiến hành sớm.
Sau 4-6 tuần, hầu hết bệnh nhân có thể quay trở lại với các hoạt động bình thường. Tập phục hồi chức năng được áp dụng cho những bệnh nhân bị đau dai dẳng hoặc tiến triển chậm.
Hình 1.5: Phương pháp phẫu thuật mở trong điều trị hội chứng ống cổ tay
Hiệu quả và biến chứng
Phẫu thuật mở ống cổ tay là một phương pháp rất hiệu quả để điều trị hội chứng ống cổ tay. Hầu hết các bệnh nhân đều có sự cải thiện lâu dài về triệu chứng lâm sàng cũng như điện sinh lý thần kinh.
Đây là một phương pháp an toàn với tỷ lệ biến chứng thấp như chảy máu, nhiễm khuẩn, tổn thương thần kinh, gân cơ.
6.2.2. Phương pháp phẫu thuật nội soi
Kĩ thuật mổ nội soi trong điều trị hội chứng ống cổ tay đã được phát triển từ hơn ba mươi năm qua và ngày càng được áp dụng rộng rãi. Ưu điểm của phương pháp này là đường rạch da ngắn, sẹo nhỏ, giảm tỷ lệ đau sau mổ và hồi phục nhanh. Tuy nhiên trong mổ nội soi thì khả năng quan sát toàn diện dây chằng ngang cổ tay và các cấu trúc trong ống cổ tay kém hơn so với mổ mở.
Chỉ định: Giống như phương pháp mổ mở
Chống chỉ định
– Hội chứng ống cổ tay tái phát.
– Rối loạn đông máu, đang dùng thuốc chống đông.
– Có các bệnh lý viêm: Viêm khớp dạng thấp, amyloidosis.
– Hội chứng ống cổ tay rất nặng.
– Hội chứng ống cổ tay thứ phát sau chấn thương, gãy xương.
Các kỹ thuật nội soi
– Phương pháp phổ biến nhất là nội soi một đường vào của Agee.
– Phương pháp nội soi hai đường vào của Chow.
– Phương pháp nội soi một đường vào của Mirza.
Hình 1.6: Phẫu thuật nội soi trong điều trị hội chứng ống cổ tay
Hiệu quả và biến chứng
Các tác giả đều cho rằng hiệu quả của phẫu thuật nội soi tương đương phẫu thuật mở trong điều trị hội chứng ống cổ tay. Tỷ lệ biến chứng của phương pháp nội soi rất thấp, chỉ dưới 5%.
Biến chứng nặng nhất là gây tổn thương hoặc cắt phải dây thần kinh giữa, một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ biến chứng tổn thương dây thần kinh này cao hơn so với phương pháp mổ mở.
Một biến chứng khác là chảy máu sau mổ gây sưng nề bàn tay và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn